Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua giai đoạn xáo trộn bất thường chủ yếu do sự mất cân bằng cung cầu trên thế giới.

Khi các nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn suy giảm do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang đối diện với một loạt khó khăn liên quan đến thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí đầu vào leo thang, sản xuất gián đoạn, từ đó dẫn đến tình trạng giao hàng chậm trễ.

Rủi ro chồng chất rủi ro

Các nhân tố tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng là rất đa dạng và ngày càng phức tạp, đan xen lẫn nhau, bởi quá trình toàn cầu hóa khiến cho mức độ lệ thuộc giữa các công ty đa quốc gia tăng lên.

Từ năm ngoái đến nay, tình trạng thiếu vi mạch điện tử đã tăng lên mức cao và gây áp lực cho nhiều ngành nghề, bao gồm điện thoại di động, ôtô và điện gia dụng, máy tính cá nhân…

Điển hình là ngành công nghiệp ôtô, do thiếu hụt chip, nên sản lượng ôtô toàn cầu năm 2021 dự báo giảm 7,7 triệu chiếc, thiệt hại của các nhà sản xuất ước tính lên tới 210 tỷ USD.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào năng lượng hóa thạch giảm trong khi lộ trình phát triển năng lượng xanh còn gặp nhiều gián đoạn, dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất điện.

Sự căng thẳng trong cung ứng điện của nhiều nước và khu vực đang lan rộng ra nhiều quốc gia và khu vực trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp.

Giờ đây, các ngành công nghiệp lại đón nhận một “cơn bão” mới là khan hiếm magiê. Hiện nay, Trung Quốc chiếm vị trí gần như độc tôn trên thị trường magiê thế giới với gần 90% sản lượng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu điện đã khiến cho sản lượng magiê của nước này sụt giảm mạnh.

Ngân hàng Bank of America cảnh báo, do magiê khó bảo quản (bị oxy hóa sau ba tháng), nên nếu Trung Quốc không nhanh chóng tăng sản lượng, thì dự trữ magiê toàn cầu có thể sẽ giảm xuống mức báo động nguy hiểm trước cuối năm nay.

Theo tính toán của Hiệp hội thương mại kim loại màu của Đức, dự trữ magiê của toàn bộ châu Âu chậm nhất sẽ cạn kiệt vào trước cuối tháng 11, khi đó có thể sẽ xuất hiện tình trạng cắt giảm sản lượng quy mô lớn.

Hệ lụy của vấn đề này là ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung magiê toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc gần như hoàn toàn (95%) vào nguồn cung magiê từ Trung Quốc. Do đó, các ngành công nghiệp châu Âu sản xuất và sử dụng nhôm, sắt và thép cũng như các nhà cung cấp nguyên liệu thô cho họ, đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt magiê.